1.Tôi nhớ như in cảnh tượng khi hàng trăm con người trong nhà máy cùng lúc ngửa mặt, nín thở nghe tiếng đếm ngược chầm chậm của cánh thợ lái cẩu trục từ độ cao hàng chục mét. Và khi tiếng đếm dừng lại ở con số 72, tất cả vỡ òa lên tiếng vỗ tay reo mừng, những vòng tay ôm chầm lấy nhau không phân biệt chủ, thợ, kỹ sư hay công nhân, áo xanh COMA hay áo trắng EVN…trong khi kẻ “ngoại đạo”là tôi còn đang ngơ ngác không kịp bấm máy. Mất hàng phút liền tôi mới kịp hiểu đó là khoảnh khắc khi chiếc roto nặng 250 tấn thả vào vị trí đạt giới hạn cho phép sai số 72 ly, gần như là chính xác tuyệt đối. Chẳng dài dòng nhiều lời hoa mỹ, Trưởng ban quản lý Dự án Thủy điện 3 Trần Quang Hải búng tay, tức thời hàng chục bao thuốc lá hảo hạng được tung xuống, tự tay anh Hải bóc trân trọng mời từng người thợ, không bỏ sót một ai. Mùi xì – gà thơm lừng lan tỏa, quẩn nồng nàn trong không gian nhà máy.
Lần đầu tiên tham gia lắp đặt chủ công toàn bộ Nhà máy thủy điện công suất trên 300MW, với những người chỉ huy của Cty COMA 1sự kiện thả roto thành công quả là khoảnh khắc lịch sử. Hợp đồng thực hiện gói thầu lắp đặt Nhà máy được ký năm 2006 với tổng giá trị gần 120 tỷ đồng trong đó COMA 1 đảm nhận gần 100 tỷ đồng. Đại diện chủ đầu tư, Trưởng BQL DA thủy điện 3 Trần Quang Hải tấm tắc: COMA 1 có đội ngũ sỹ quan chỉ huy cực “chuẩn” đủ năng lực dàn quân trên mọi “trận đánh” làm chủ kỹ thuật lắp toàn bộ nhà máy. Đây là một lợi thế cạnh tranh vô cùng thuyết phục”
2.Kỹ sư Dương Đình Thịnh – Chỉ huy trưởng COMA 1, đội trưởng đội Xây lắp số 5 đảm nhận lắp đặt tổ máy 2 và các hạng mục phụ trợ: đường ống áp lực, tháp điều áp; Kỹ sư Ngô Đức Thiết – Phó chỉ huy trưởng, đội trưởng đội Xây lắp số 2 gánh vác phần cống dẫn dòng, cửa nhận nước và trạm phân phối điện. Cả hai chàng “sỹ quan” đều độ tuổi cuối 7X hoặc đầu 8X. Hỏi về những kỷ niệm của mình, họ nhìn nhau cười hiền khô, nhíu cặp chân mày nửa như muốn nhớ, nửa lại muốn quên đi. Ấy là cái giai đoạn cam khó nhất chưa xa, mới năm 2008 khi Nhà máy chuẩn bị lắp tuabin. Cuộc họp giao bân nào cũng căng thẳng, quân COMA ngấp nghé nguy cơ bị truất quyền làm chủ thầu lắp đặt nhà máy. Thịnh, Thiết và Nguyễn Công Minh, Nguyễn Hữu Thọ (Trưởng và phó Ban điều hành COMA tại Sông Tranh 2) chụm đầu bàn bạc, tính các phương án điều hành, tổ chức rồi chốt lại: “Xin” được chứng minh năng lực bằng sự hoàn thành từng hạng mục với tiến độ khắt khe, ngặt nghèo mà chủ đầu tư đề ra.
Cũng chẳng thể có phương án nào khác ngoài việc “đem vàng thử lửa” bởi nói giản dị như Ngô Đức Thiết – Phó chỉ huy trưởng có mặt tại công trường ngay từ những ngày đầu thì chả hình dung mình làm được gì nữa đại công trường” mênh mông và hoành tráng này. Thiết tâm sự: “Ngoảnh đi ngoảnh lại thấm thoắt đã hơn 4 năm. Nhớ lại dịp ấy, buổi sáng tôi đang quây quần cùng gia đình, họ hàng mừng đầy tháng cô con gái đầu lòng thì nhận được điện thoại. Buổi chiều tôi khăn gói bắt xe từ quê chỉ nói sơ sơ với vợ là về Cty có việc gấp. Kỳ thực là tôi nhận lệnh điều thẳng vào Trà Mi (Quảng Nam) nhưng không muốn vợ buồn vì gái ở cữ, sức lực và tinh thần còn mong manh lắm! Nhưng chính cô ấy lại cho tôi sức mạnh. Trên đường đi, tôi nhận được điện thoại của vợ, giọng nhẹ nhàng: “Anh đi công tác xa chứ gì? Đừng lo cho mẹ con em”. Tựa vào lời nói đầy yêu thương ấy, chàng kỹ sư trẻ vững tâm ở miết cho đến tận…hôm nay.
3.Lúc cao điểm COMA 1 có 120 lao động trên công trường. Ngày bước tới đỉnh thành công, lực lượng rút còn 80 người nhưng công việc thì gấp gáp tính từng giờ, từng phút. Buổi tối hôm 26/11 khi chỉ còn chưa đầy chục tiếng đến thời khắc nhấc tổ máy khỏi giá, di chuyển và thả vào vị trí lắp đặt, tôi tranh thủ phỏng vấn tâm trạng của hai chỉ huy trưởng COMA 1 tại lán điều hành. Tiếng mưa rơi lộp độp ngoài trời không át nổi sự hồi hộp, bồn chồn trong giọng nói của các anh. Dương Đình Thịnh suy tư: Lúc này, ngoài điểm thi công cống dẫn dòng vẫn còn hàng chục thợ đang dốc sức cho ngày nút công dẫn dòng. Anh em bảo nhau: Tiếc lắm khi không được chứng kiến khoảnh khắc thả tổ máy, cái đích thắng lợi cuối cùng của 4 năm trời mày mò, vắt hết khả năng và tâm sức cho từng cái bu lông, ốc vít…với “quả tim” của Nhà máy nặng tới 250 tấn thép. Trong giờ phút mọi người nín thở theo dõi chiếc roto treo trên cẩu trục nhích từng chút về vị trí, có khoảng 40 người thợ cũng đang trần mình trên mặt cống 200m2 căng mình vì tiến độ kỷ lục phải hoàn thành lắp đặt trong 5 ngày (thông thường phải mất 10 ngày) kịp cho ngày đóng cống dẫn dòng, tích nước cho công tác phát điện không tải.
4. Hôm làm lễ thả roto thành công, đã thành lệ, chủ tịch CĐ COMA Trần Như Hưng lại hoan hỉ đọc quyết định và trao thưởng “nóng” gần 150 triệu đồng cho Ban điều hành của COMA và các đơn vị thành viên. Tôi để ý có một niềm vui rất nhỏ bé nhưng lại được anh em đón đợi nhiệt tình, ấy là khi ông Hưng quyết định chi đầu tư một sân chơi cầu lông cho anh em tại nhà điều hành công trường. Có nếm trải cái mưa dầm dề, cái nắng nung người và những điều kiện khắc ngiệt khác trên đất Quảng mới thấu hiểu anh em “khát thèm” nhu cầu giải trí, vận động thể dục thể thao đến như thế nào. Có điều tôi cứ băn khoăn: Quỹ thời gian còn lại ở công trường với COMA chỉ còn một phần của những chặng đã qua thì cái sân thể thao ấy còn giúp ích được là bao? Không giấu niềm vui, Nguyễn Hữu Thọ, chàng chỉ huy Phó Ban điều hành COMA, cười giải thích: “4 năm dồn hết cho công việc, giờ mới là lúc cò chút thời gian nghỉ ngơi. Chúng em muốn rèn luyện sức khỏe để hoàn tất công việc và lại sẵn sàng đến những vùng đất mới”. Cái lý của Thọ thực khiến tôi thấy xấu hổ với sự vô tâm của chính mình./.
Huệ Anh