Những dấu ấn với nghề lắp máy
Nhưng thật may, trong hành trình đó, người COMA nhanh chóng thực sự làm chủ năng lực, sở trường và về đích ngoạn mục. Chỉ trong vòng hai năm liên tiếp 2009 và 2010, COMA đã thành công rực rỡ việc lắp đặt 04 tổ máy của 2 nhà máy thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Sông Tranh 2.
Tại công trình thủy điện Sông Tranh 2, những ngày cuối năm 2010, người COMA liên tiếp lập những kỳ tích mới, chinh phục các hạng mục công việc và rút ngắn tiến độ, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho chủ đầu tư. Nói giản dị theo cách diễn giải của kỹ sư Nguyễn Công Minh - Trưởng Ban điều hành COMA tại Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 thì kinh nghiệm thành công của COMA là tổ chức công việc thành một khối “đại đoàn kết”, biết xác định “đường găng” tiến độ công việc hợp lý và phát huy một tinh thần COMA vượt khó, quyết tâm và danh dự.
Nếu như với dự án thủy điện Bản Vẽ, chủ công lắp máy và “dựng cờ” COMA trong lĩnh vực lắp máy được giao cho “chú lính chì dũng cảm” COMA 2, mũi nhọn chủ lực COMA nổi danh trong làng cơ khí xây dựng Việt Nam vì chưa bao giờ thất bại thì đến thủy điện Sông Tranh 2, thật bất ngờ, đảm nhận vai chính lại là hai người anh em khiêm tốn: COMA 1 và COMA7. Chính vì sự “ mạo hiểm” đó mà tại nhà máy thủy điện sông Tranh 2, dù bám trụ từ những năm đầu xây dựng nhà máy (2006) nhưng đến giai đoạn quan trọng nhất, lúc tiến độ cao trào nhất người COMA lại thường ở thế “quân dự bị”, áp lực bị thay thế luôn thường trực. Giám đốc Đỗ Đình Tâm bộc bạch: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất với thủy điện Sông Tranh là sau 10 năm, mình mới lại có dịp quay trở lại làm… đội trưởng 1 tuần” (ông Tâm trưởng thành từ đội trưởng, lên làm lãnh đạo cơ khí sông Chu rồi sau đầu quân về mái nhà COMA thành Cty COMA 17). Cũng là chuyện bất đắc dĩ thôi, bởi lúc đó tiến độ căng đến độ tưởng chừng COMA bật ra khỏi cuộc chơi, ngay khi vừa tập tọng làm lính mới trên “đấu trường” lắp máy. Ngày nào bên A cũng triệu tập họp, kiểm tra sát sao và gay gắt. COMA bắt tay vào lắp máy rôto và vòng đáy tổ máy 1 từ 15/2/2010. Theo tiến độ, tháng 3 bên A phải bàn giao mặt bằng, 31/12/2010 phát điện tổ máy 1. Nhưng trên thực tế, việc bàn giao mặt bằng kéo dài đến tận tháng 6. Oái oăm ở chỗ, bên A không lùi thời gian bù đắp cho phần chậm muộn mà lại đốc phải đẩy tiến độ lên hẳn 01 tháng, tức là 30/11 phải phát điện. Khoảng thời gian tháng 6, khi hạng mục lắp máy trở thành “đường găng” của công trình, phía bên A chẳng giấu giếm ý định đưa quân lắp máy LILAMA để loại COMA ra ngoài cuộc chơi, đơn giản vì không tin COMA bảo đảm lắp xong trong vòng 5 tháng. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, tính quyết đoán, lòng tự trọng của con người cơ khí thuần phác như nông dân trỗi dậy. Hơn 100 công nhân lắp máy COMA 17 đã dồn sức quyết chiến để khẳng định mình. Có lẽ hơn ai hết, người COMA cảm nhận rõ nhất những thời khắc thiêng liêng ghi dấu ấn sự thành công của họ. Tôi không thể quên cái ánh nhìn xa xăm của kỹ sư Dương Đình Thịnh - Chỉ huy trưởng COMA 1 trước giờ thả roto tổ máy 2 khi nhắc đến hàng chục người thợ của các anh sao bao ngày dốc sức với cỗ máy, chỉ ao ước được chứng kiến phút roto chạm đích chính xác tuyệt đối nhưng rồi cái hạnh phúc nhỏ bé ấy cũng phải hi sinh vì đúng ngày ấy, các anh phải tăng cường đẩy nhanh tiến độ lắp đặt cống dẫn dòng, rút ngắn 50% quãng thời gian so với tiến độ thông thường.
Một COMA thân thiện trong mắt đối tác
Trưởng Ban quản lý Dự án 3 Trần Quang Hải, người bạn lớn đồng hành cùng thợ COMA trong suốt hành trình xây dựng thủy điện sông Tranh 2 thường dành những tình cảm ưu ái và thiện chí khi nói về COMA: “Dù bảo vệ phươmg án chọn COMA làm chủ công lắp đặt nhà máy ngay từ đầu nhưng tôi cũng không khỏi cảm giác lo âu và hồi hộp. Tôi thích chất cần mẫn, kiên trì của người COMA, sự thẳng thắn học hỏi và ý chí quyết tâm tập thể. COMA thực sự đã và đang phá thế “độc quyền”, tạo sự cạnh tranh tích cực và lành mạnh cho ngành lắp máy Việt Nam.
Bà Yan Li - Trưởng Ban điều hành liên danh nhà thầu cung cấp thiết bị ECIDI – ALSTOM nhận xét: “ Tuy đây là lần đầu tiên chúng tôi hợp tác với đội ngũ lắp máy COMA nhưng chính tay nghề và nhiệt huyết của những kỹ sư, công nhân COMA lắp đặt trên công trường này đã khiến tôi có ấn tượng cực kỳ sâu sắc và ngưỡng mộ họ. Họ không cố ý để gây chú ý và thể hiện mình trong làng lắp máy Việt Nam nhưng chính lòng yêu nghề và những nổ lực đã đem lại cho họ những gì mà 1 đơn vị lắp máy chuyên nghiệp cần có. Tôi tin rằng, COMA sẽ là những người thợ lắp máy vào bậc nhất của nền công nghiệp Việt Nam. Và nếu còn có cơ hội được làm tiếp các dự án thủy điện ở Việt Nam thì đơn vị lắp máy đầu tiên mà tôi nghĩ đến và mong cùng hợp tác là COMA.”
Các chuyên gia lắp máy Nguyễn Công Cân, Đỗ Xuân Mai, Phan Trinh Đài - những tay thợ lắp máy lão luyện của TCty LILAMA và Sông Đà đã nghỉ hưu, “cảm” cái chân tình và sự cầu thị của lãnh đạo, kỹ sư và công nhân COMA đã cùng người COMA vượt qua thử thách. Họ chia sẻ: COMA khẳng định họ làm chủ không chỉ về kỹ thuật, mà cả khả năng tổ chức, điều hành, kết nối toàn bộ quy trình hoạt động sản xuất trên công trường. COMA đang sở hữu một đội hình lãnh đạo trẻ, nhưng dày dặn khả năng tác chiến trên công trường, có khả năng khai thác vận dụng “phần mềm” công nghệ quản lý hiện đại, nhân tố rất tốt để COMA chinh phục những tầm cao mới./.
Huệ Anh